News - T2, 02/24/2025 - 15:51
Ung thư đại tràng: Đừng đợi đến khi thấy rõ ràng triệu chứng
Lần cập nhật cuối 02/24/2025 - 15:53
Mệt mỏi, thỉnh thoảng đau bụng, đi ngoài… là những dấu hiệu mơ hồ mà nhiều bệnh nhân ung thư đại tràng bỏ qua. Không nhiều người trong số đó chủ động thăm khám và may mắn phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm.

Những trường hợp may mắn hi hữu
Bệnh nhân N.T.G (61 tuổi, Hà Nội) là một trong những trường hợp rất may mắn, tình cờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm trong lần khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội 2 năm trước.
Tại thời điểm đó, bệnh nhân thấy sức khỏe ổn định, chỉ thỉnh thoảng rối loạn đại tiện. Với mong muốn kiểm tra sức khỏe định kỳ, bệnh nhân thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nội soi dạ dày, đại tràng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có máu ẩn trong phân, chỉ số CEA - tìm dấu ấn ung thư tiêu hóa - tăng rất cao. Đặc biệt, đại tràng của bệnh nhân có nhiều polyp và manh tràng có khối u rất lớn. Kết quả sinh thiết tức thì và giải phẫu bệnh lý chậm đều kết luận bệnh nhân mắc ung thư đại tràng biểu mô tuyến.
Tuy nhiên, bệnh nhân mắc ung thư đại tràng ở giai đoạn I giúp việc điều trị diễn ra khá dễ dàng và thuận lợi. Bệnh nhân chỉ phải trải qua một cuộc phẫu thuật và duy trì nội soi, kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ. Sau 2 năm kể từ thời điểm phát hiện bệnh, bệnh nhân có thể trạng tốt, sinh hoạt hoàn toàn bình thường.
Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi mới chỉ có dấu hiệu mệt mỏi
Không được may mắn như bệnh nhân N.T.G kể trên, một bệnh nhân người Mỹ được phát hiện ra bệnh khi khối u đã phát triển rất lớn, chiếm gần hết đại tràng ngang và di căn hạch xung quanh.
Trong chuyến du lịch tới Việt Nam, bệnh nhân tới Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội khám do cảm thấy mệt mỏi. Sau khi thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cơ bản với bác sĩ đa khoa, bệnh nhân được xác định mệt mỏi do thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu đầy chướng bụng, đau vùng thượng vị nên được chỉ định thăm khám chuyên sâu với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
Bác sĩ chỉ định nội soi tiêu hóa vì nghi ngờ nguyên nhân thiếu sắt có thể liên quan đến bệnh lý tiêu hóa. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân có một khối u lớn, chiếm gần hết đại tràng ngang. Khối u phát triển không chỉ khiến bệnh nhân chảy máu âm ỉ mà còn cản trở hấp thụ sắt, khiến bệnh nhân thiếu máu, thiếu sắt. Chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc phát hiện nhiều hạch mạc treo và hạch xung quanh vùng đại tràng có khối u.
Do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, quá trình điều trị cho bệnh nhân này sẽ gian nan hơn khi bệnh nhân cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích…
Tầm soát sớm là chìa khóa cứu sống bệnh nhân ung thư đại tràng
Hai bệnh nhân trên có điểm chung là các triệu chứng ban đầu không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, trong trường hợp thứ nhất, việc tầm soát định kỳ giúp phát hiện ung thư khi còn ở giai đoạn sớm, mang lại cơ hội chữa khỏi cho người bệnh.
TTUT. PGS. TS. BS. Nguyễn Quang Duật – Khoa Tiêu hóa & Gan mật, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết “Theo khuyến cáo mới nhất từ Liên chi hội Nội soi Tiêu hóa Việt Nam, người dân trên 45 tuổi, nếu có các dấu hiệu như rối loạn đại tiện, rối loạn phân cần tầm soát ung thư đại trực tràng để phát hiện sớm bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị.”
Khuyến nghị này cũng được đưa ra bởi nhiều tổ chức y tế lớn trên thế giới. Dữ liệu mới công bố từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy ung thư đại trực tràng đã trở thành nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu ở nam giới và nguyên nhân thứ hai ở phụ nữ dưới 50 tuổi. Trong khi đó, ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm có thể được điều trị, đạt tỷ lệ sống từ 5-10 năm đạt gần 100%. Vì vậy, Hội ung thư Hoa Kỳ đã khuyến cáo người dân bắt đầu nội soi đại tràng tầm soát bắt đầu từ 45 tuổi thay vì 50 tuổi như trước đây vào năm 2018.
Thời điểm tầm soát ung thư đại trực tràng được khuyến cáo từ 40 tuổi, thậm chí sớm hơn ở đối tượng nguy cơ cao bao gồm: Người mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, tiền sử gia đình có polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng, người mắc hội chứng di truyền như đa polyp tuyến gia đình (FAP), những trường hợp xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOB) dương tính bất kể độ tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Quang Duật chia sẻ: “Việc phân tầng nguy cơ cần được thực hiện trước khi quyết định chiến lược và lựa chọn phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng phù hợp. Trong đó, phương pháp hiệu quả nhất là nội soi đại trực tràng, giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và các dấu hiệu bất thường, loại bỏ các polyp, sinh thiết làm mô bệnh học.”
Để kết quả tầm soát ung thư đại trực tràng chính xác, việc chuẩn bị trước nội soi là rất quan trọng. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc tan bọt làm sạch đại tràng theo phương pháp chia liều để tăng khả năng phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót polyp đại trực tràng trong khi nội soi.
Ung thư đại tràng không phải là bản án tử hình nếu được phát hiện kịp thời. Hãy chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ chính mình và gia đình.