News - T3, 03/25/2025 - 10:30
HÓA TRỊ VÀ CÁC LIỆU PHÁP TIÊN TIẾN TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG
Lần cập nhật cuối 03/25/2025 - 10:45
Trong điều trị ung thư đại trực tràng, việc điều trị toàn thân đóng vai trò khác nhau ở từng giai đoạn bệnh, đặc biệt khi bệnh đã ở giai đoạn khối u lan tràn, di căn tới gan, phổi. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội hiện đang điều trị cho nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng ở các giai đoạn khác nhau với kết quả tích cực bằng phác đồ đa mô thức, kết hợp phẫu thuật với hóa trị, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch.

Với mong muốn mang đến cho bệnh nhân Việt Nam những phương pháp điều trị tiên tiến nhất, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội không ngừng trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế, tiêu biểu trong số đó là GS. Thierry André – chuyên gia hàng đầu thế giới về ung thư nội khoa, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
GS. Thierry André là giáo sư ung thư học tại Đại học Sorbonne (Paris, Pháp), Trưởng khoa Ung thư học tại Bệnh viện Saint Antoine (Paris, Pháp), Phó Chủ tịch của Nhóm nghiên cứu Ung thư Đa chuyên khoa GERCOR. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lớn về ung thư, tiêu biểu là phác đồ Folfox, phác đồ điều trị miễn dịch – bước tiến mới nhất trong điều trị bước 1 ung thư đại trực tràng di căn.
Dưới đây là những phân tích cụ thể của GS. Thierry André về những liệu pháp tiên tiến trong điều trị ung thư đại trực tràng.
Hóa trị - Phương pháp điều trị chính nhằm tiêu diệt tế bào ung thư đại trực tràng
Trong trường hợp bệnh khu trú, khối u ở đại tràng hoặc trực tràng sẽ được phẫu thuật cắt bỏ. Đôi khi, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bổ trợ, nghĩa là sử dụng hóa trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát. Đối với giai đoạn III, khi có di căn hạch bạch huyết trong mẫu bệnh phẩm, hóa trị bổ trợ là cần thiết, vì lợi ích điều trị đạt mức cao nhất trong tình huống này.
Nếu không có hóa trị bổ trợ, nguy cơ tái phát (di căn hoặc hiếm hơn là tái phát tại chỗ) sau phẫu thuật là khoảng 40%. Nguy cơ này thấp hơn nếu khối u nhỏ và chỉ có 1-3 hạch bị xâm lấn, nhưng cao hơn nếu khối u lớn và có trên 3 hạch bị xâm lấn. Hóa trị bổ trợ giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi từ 50-60% sau phẫu thuật lên khoảng 75-80% khi kết hợp cả phẫu thuật và hóa trị.
Phác đồ hóa trị bổ trợ thường kết hợp một chất chống chuyển hóa như 5-fluorouracil (5-FU) hoặc capecitabine ± oxaliplatin. Hai phác đồ hiệu quả nhất là FOLFOX (gồm axit folinic, 5-FU, oxaliplatin) và CAPEOX (gồm capecitabine và oxaliplatin). Các phác đồ này giúp giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật, với thời gian điều trị kéo dài từ 3 đến 6 tháng tùy trường hợp.
Đối với bệnh tiến triển với di căn không thể phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất, thường kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích.
Phác đồ tiêu chuẩn là 5-fluorouracil (5-FU) kết hợp với oxaliplatin (FOLFOX) hoặc irinotecan (FOLFIRI), được truyền mỗi 2 tuần. Một lựa chọn khác là capecitabine kết hợp oxaliplatin, truyền mỗi 3 tuần. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phác đồ mạnh hơn với FOLFIRINOX, kết hợp cả ba loại thuốc: oxaliplatin, 5-FU và irinotecan.
Liệu pháp nhắm trúng đích dựa trên kết quả xét nghiệm sinh học phân tử
Những tiến bộ trong sinh học phân tử đã giúp xác định các cơ chế gây ung thư, từ đó phát triển các thuốc nhắm trúng đích. Liệu pháp nhắm trúng đích gồm các thuốc tác động trực tiếp lên các cơ chế sinh học của tế bào ung thư, nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng.
Trong ung thư đại trực tràng di căn, các xét nghiệm bổ sung trên mẫu sinh thiết ban đầu giúp xác định liệu pháp nhắm trúng đích phù hợp kết hợp với hóa trị. Công nghệ giải trình tự thế hệ mới (NGS - Next-Generation Sequencing) cho phép phân tích đồng thời nhiều gen, phát hiện các đột biến trong DNA khối u, từ đó xây dựng hồ sơ phân tử của khối u và xác định phương pháp điều trị tối ưu.
- Nếu không có đột biến gen RAS, bệnh nhân có thể được chỉ định cetuximab hoặc panitumumab (kháng thể kháng EGFR) kết hợp với một trong các phác đồ hóa trị nêu trên, đặc biệt khi khối u nằm ở đại tràng trái hoặc trực tràng.
- Nếu có đột biến gen RAS hoặc khối u ở đại tràng phải, thuốc kháng sinh mạch như bevacizumab, aflibercept sẽ được sử dụng kết hợp với hóa trị.
- Trong trường hợp ung thư di căn có đột biến BRAF, phác đồ kết hợp encorafenib (chất ức chế kinase) và cetuximab (kháng thể kháng EGFR) sẽ được chỉ định khi thất bại với hóa trị bước 1.
Liệu pháp miễn dịch – kích hoạt hệ thống miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư
Chỉ khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn có thể hưởng lợi từ liệu pháp này, chủ yếu là những bệnh nhân có tình trạng bất ổn định vi vệ tinh (MSI/dMMR) - một dấu hiệu sinh học cho thấy tế bào ung thư có khiếm khuyết trong cơ chế sửa chữa ADN bị lỗi.
Do đó, tất cả bệnh nhân ung thư đại trực tràng đều cần được xét nghiệm MSI/dMMR trên mẫu sinh thiết hoặc mẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật bằng sinh học phân tử hoặc nhuộm hóa mô miễn dịch. Nếu bệnh nhân có tình trạng bất ổn vi vệ tinh hoặc thiếu hụt hệ thống sửa chữa ghép cặp sai DNA (MMR), bệnh nhân có thể được điều trị bằng pembrolizumab hoặc nivolumab ± ipilimumab, với hiệu quả rất cao mà không cần kết hợp hóa trị, theo các nghiên cứu gần đây.
Các thuốc mới và triển vọng điều trị
Một số thuốc mới như trifluridine-tipiracil, regorafenib, fruquitinib đã được phát triển để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân khi các phương pháp điều trị trước đó không còn hiệu quả.
Nhờ những tiến bộ trong sinh học phân tử và nghiên cứu về cơ chế kháng thuốc, ngày càng có nhiều mục tiêu điều trị mới được xác định, mở ra những cơ hội điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
---------------
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội (HFH)
Địa chỉ: Số 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
Hotline tư vấn: 024.35771100 - 0903497078
Zalo OA