News - T6, 02/21/2025 - 08:49
PHÒNG NGỪA BIẾN CHỨNG MẠCH MÁU – HỆ LỤY NGHIÊM TRỌNG CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Lần cập nhật cuối 02/21/2025 - 08:53

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mùi, chuyên gia Nội tiết với hơn 20 năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: “Đái tháo đường (ĐTĐ) được ví là "kẻ giết người thầm lặng" bởi bệnh tiến triển âm thầm, trong nhiều trường hợp, các biến chứng đã xuất hiện ngay khi bệnh được chẩn đoán. Đáng lo ngại hơn, các tổn thương này thường không thể hồi phục nếu không được kiểm soát kịp thời.
Một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của ĐTĐ chính là các biến chứng mạch máu, ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, mắt và hệ mạch máu ngoại biên. Tuy nhiên, các biến chứng này có thể được phòng ngừa nếu bệnh nhân phát hiện sớm và kiểm soát tốt đường huyết cũng như các yếu tố nguy cơ liên quan.”
Các biến chứng mạch máu do ĐTĐ được chia thành hai nhóm chính, dựa trên kích thước và vị trí của mạch máu bị tổn thương.
- Biến chứng mạch máu lớn xảy ra ở các mạch máu có kích thước trung bình và lớn. Lượng đường trong máu tăng cao kéo dài làm thành mạch dày lên, hình thành các mảng xơ vữa, lâu dần gây tắc nghẽn dòng máu. Điều này dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tắc mạch máu ngoại biên. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân đái tháo đường có thể xuất hiện biến chứng mạch máu lớn ngay từ giai đoạn đầu của bệnh mà không hề hay biết.
- Bên cạnh đó, biến chứng mạch máu nhỏ ảnh hưởng chủ yếu đến các vi mạch, đặc biệt là tại thận và mắt. Đường huyết tăng cao kéo dài gây tổn thương các mao mạch ở thận, dẫn đến bệnh thận mạn – một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Ở mắt, biến chứng làm tổn thương đáy mắt, có thể gây xuất huyết võng mạc, phù hoàng điểm và dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Theo thống kê, khoảng 20% bệnh nhân đã có tổn thương vi mạch tại thời điểm được chẩn đoán ĐTĐ, và đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại Mỹ.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ ở người bệnh đái tháo đường:
- Kiểm soát đường huyết và các bệnh đi kèm: Người bệnh phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ đường huyết, chỉ số cholesterol, triglycerid, huyết áp không bị tăng vọt hay giảm quá mức theo nguyên tắc điều trị của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống: Những bệnh nhân bị đái tháo đường cần ăn giảm muối, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn ít mỡ, không dùng phủ tạng động vật, nên tuân thủ chế độ ăn được tư vấn bởi bác sĩ Dinh dưỡng.
- Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi... Nên có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và uống đủ nước.
- Luyện tập thể thao: Người bệnh nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Tranh thủ hoạt động thể lực bất cứ lúc nào, như là đi thang bộ thay cho việc đi thang máy, tập thói quen đi bộ đến những đại điểm gần để tránh những biến chứng đái tháo đường.
Tại Trung tâm Dự phòng bệnh Tim - Mạch, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội (HFH), lộ trình điều trị cho mỗi bệnh nhân được cá nhân hóa theo từng trường hợp cụ thể với tiêu chuẩn y tế chuẩn Âu Mỹ.
Bệnh nhân được phối hợp điều trị liên chuyên khoa dưới sự hội chẩn của bác sĩ Nội tiết, Nội thần kinh, Tim mạch, Hô hấp và Dinh dưỡng để mang lại hiệu quả cao nhất.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám các bác sĩ chuyên khoa của HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955