News - T5, 04/17/2025 - 17:21
DẤU HIỆU ĐỘT QUỴ SỚM: CẢNH BÁO TỪ CƠN THIẾU MÁU NÃO THOÁNG QUA (TIA)
Lần cập nhật cuối 04/17/2025 - 17:33

Đột quỵ là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong mà không có cảnh báo. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể trải qua một thiếu hụt tạm thời trước khi đột quỵ xảy ra, được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nếu được xử lý kịp thời, có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ, cũng đồng nghĩa giảm nguy cơ tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là gì?
Cơn thiếu máu não thoáng qua được định nghĩa là sự khởi phát đột ngột triệu chứng thần kinh khu trú do thiếu máu não ở một khu vực hoặc võng mạc, và các triệu chứng này kéo dài không quá 24 giờ và không có sự hiện diện tổn thương nhồi máu não cấp trên hình ảnh cộng hưởng từ.
Tuy nhiên, TIA có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Theo ThS. BS. Sabrina Stefanizzi, bác sĩ thần kinh tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội với hơn 20 năm kinh nghiệm trong điều trị đột quỵ, khoảng một trong ba người từng trải qua TIA sẽ bị đột quỵ sau đó, và khoảng một nửa số đột quỵ này sẽ xảy ra trong vòng một năm sau khi có TIA. Một TIA vừa có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ trong tương lai, vừa là cơ hội để ngăn ngừa nó.
Các dấu hiệu cần lưu ý khi có TIA
Các triệu chứng của TIA tương tự như dấu hiệu sớm của đột quỵ. Những triệu chứng này xuất hiện đột ngột và có thể bao gồm:
- Đau đầu dữ dội, đột ngột, khác với những cơn đau đầu thông thường
- Yếu, tê hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, thường là một bên cơ thể
- Khó khăn trong việc nói hoặc hiểu người khác
- Mất thị lực đột ngột
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
TIA thường chỉ kéo dài vài phút và biến mất trong vòng một giờ.

Một số bệnh nhân có thể trải qua nhiều hơn một cơn TIA, và triệu chứng có thể giống nhau hoặc khác nhau tùy thuộc vào phần nào của não bị ảnh hưởng. Đây là một hội chứng nguy hiểm cần được chăm sóc khẩn cấp.
Nguyên nhân và phòng ngừa TIA và đột quỵ
Theo BS. Stefanizzi, nguyên nhân của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) tương tự như nguyên nhân của đột quỵ thiếu máu não, loại đột quỵ phổ biến nhất. Những nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm xơ vữa động mạch não hoặc động mạch vùng cổ bao gồm động mạch cảnh và động mạch đốt sống. Điều này xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ trong các động mạch. Khi các động mạch nhỏ bị ảnh hưởng, gây ra "nhồi máu não ổ khuyết”.
Các mảng xơ vữa có thể làm giảm lưu lượng máu trong động mạch hoặc dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Một cục máu đông di chuyển từ một phần khác trong cơ thể, chủ yếu từ tim, đến một động mạch cung cấp máu cho não cũng có thể gây ra TIA.
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra TIA và đột quỵ, được chia thành hai nhóm: yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được.
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm tiền sử gia đình, tuổi, chủng tộc, giới tính và các bệnh lý về máu.
- Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát bao gồm: Tăng huyết áp, Cholesterol cao, bệnh tim mạch, lối sống ít vận động, tiểu đường và thừa cân. Việc có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn bị đột quỵ, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ

Tầm quan trọng của việc nhận diện sớm
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong điều trị đột quỵ là nhận diện sớm các triệu chứng và hành động kịp thời. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bốn giờ rưỡi đầu tiên kể từ khi có triệu chứng là thời gian quan trọng để giảm thiểu tổn thương não và cải thiện khả năng phục hồi.
BS. Stefanizzi cho biết: “Can thiệp kịp thời là chìa khóa để giảm thiểu tổn thương não và cứu sống người bệnh. Vì vậy, việc hiểu và nhận ra những dấu hiệu sớm của TIA và đột quỵ là rất quan trọng. Hãy luôn lắng nghe cơ thể của bạn và đừng ngần ngại tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.”

BS. Sabrina Stefanizzi là chuyên gia đột quỵ với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện danh tiếng ở Pháp và hiện là điều phối viên Trung tâm dự phòng bệnh lý Tim-Mạch và chuyên gia khoa Nội thần kinh tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.
Ngày 12 tháng 4 vừa qua, Trung tâm dự phòng bệnh lý Tim-Mạch đã tổ chức hội thảo “Quản lý đột quỵ toàn diện”, với sự tham gia của các chuyên gia Pháp và Việt Nam. Hội thảo đặt mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giúp người bệnh chủ động phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ.