News - T2, 02/24/2025 - 13:55
Cẩn trọng với xu hướng gia tăng bệnh viêm ruột mạn tính ở thanh thiếu niên
Lần cập nhật cuối 02/28/2025 - 09:44

Bệnh viêm ruột mạn tính, bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Các chuyên gia ghi nhận sự gia tăng các trường hợp bệnh nhân trẻ, với hai đỉnh tuổi cao nhất là 17-19 tuổi và 25 tuổi. Đặc biệt là bệnh Crohn, với nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng như rò ruột, dính ruột và thủng ruột, đang trở thành mối lo ngại đối với các bác sĩ chuyên khoa.
Hành trình điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân trẻ tuổi
Bệnh nhân Q. M, 18 tuổi, đến thăm khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội với tình trạng đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, có kết quả xét nghiệm pepsinogen thấp. Qua quá trình thăm khám lâm sàng, nhận thấy thăm trực tràng có máu theo găng tay, bác sĩ đã tiến hành khai thác sâu hơn về tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết thêm có gặp tình trạng đại tiện phân lỏng, ra máu nhưng không thường xuyên.
Nghi ngờ về bệnh viêm ruột, PGS.TS.BS.TTUT Nguyễn Quang Duật - khoa Tiêu hóa & Gan mật, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã chỉ định nội soi dạ dày - đại tràng kết hợp xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Kết quả nội soi cho thấy có tổn thương đoạn hồi tràng dạng nốt và viêm van BAUHIN, xét nghiệm có hồng cầu trong phân và Calprotectin tăng cao, kết hợp tiến hành sinh thiết mô bệnh học cho kết luận bệnh Crohn ruột non.
PGS. Duật cho biết, nếu để tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn tới khó khăn trong việc hấp thụ calo và chất dinh dưỡng cần thiết, bệnh nhân có thể chậm tăng trưởng, nếu ở độ tuổi nhỏ hơn thì có thể dậy thì muộn hơn bình thường. Theo thời gian, nếu tình trạng viêm không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Tắc ruột
- Rò hậu môn
- Phình đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng
- Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát
- Ung thư đại trực tràng
Nhờ quá trình phát hiện sớm, điều trị và theo dõi định kỳ sát sao, kết quả nội soi các lần sau đó cho thấy các nốt tổn thương dần thu hẹp lại, gần như biến mất. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy không có hồng cầu trong phân, Calprotectin trở lại mức bình thường. Bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường, sinh hoạt ổn định và tăng cân tốt.

Tương tự, bệnh nhân G. V, 11 tuổi, thăm khám tại khoa Nhi HFH với tình trạng đau bụng cấp. Với sự phối hợp chuyên khoa Nhi và Tiêu hóa, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, nội soi dạ dày kỹ lưỡng, xét nghiệm thấy thiếu máu HB 8.1g/L. bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày. Kết quả nội soi dạ dày phát hiện ổ loét ở DIII tá tràng, đang rỉ máu, kết hợp với kết quả H.pylori dương tính. Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa đã tiến hành tiêm cầm máu tại ổ loét và điều trị H.pylori theo lộ trình điều trị sau đó. Kết quả nội soi lại 2 tháng sau cho thấy ổ loét đã lành, chỉ còn sẹo đỏ. Bệnh nhân không còn dấu hiệu bất thường, có thể sinh hoạt bình thường, tăng cân tốt và sức khỏe ổn định.
Cẩn trọng với viêm ruột mạn tính ở lứa tuổi thanh thiếu niên
Bệnh viêm ruột mạn tính là bệnh tồn tại dai dẳng, lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều. Việc điều trị cũng rất khó khăn vì nó liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể.
Đặc điểm nổi trội của bệnh viêm ruột là trẻ thường xuyên bị đau bụng và tiêu chảy. Các triệu chứng khác bao gồm: Xuất hiện máu trong phân, tiêu chảy kéo dài, trẻ mệt mỏi, mất ngủ, vật vã, có thể ra mồ hôi trộm, chán ăn, không muốn ăn, sụt cân bất thường, đầy bụng.
PGS. Duật cho biết, khi tới thăm khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, tùy vào tình trạng cụ thể, lộ trình điều trị sẽ được đưa ra dựa trên sự phối hợp liên chuyên khoa, cá thể hóa cho từng bệnh nhân, bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng được khuyến nghị bởi bác sĩ Dinh dưỡng và bác sĩ Tiêu hóa giàu kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong mọi phác đồ điều trị bệnh. Việc thay đổi lối sống tích cực, điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm tần suất các đợt bùng phát và thậm chí là thuyên giảm tình trạng bệnh.
- Phương pháp điều trị nội khoa được ưu tiên trong các phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Hầu hết thuốc được sử dụng đều giúp kiểm soát và làm giảm các triệu chứng, cũng như ngăn ngừa tái phát.
- Trong trường hợp các triệu chứng nặng lên và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bệnh nhân sẽ được hội chẩn ngoại khoa để can thiệp phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Quang Duật khuyến cáo tất cả các bệnh nhân viêm ruột mạn tính đều cần được theo dõi định kỳ chặt chẽ bằng thăm khám lâm sàng, xét nghiệm phân (FOB, Calprotectin), nội soi đại tràng tối thiểu 01 năm/lần trừ trường hợp có biến chứng như áp xe, thủng, hẹp ruột thì cần kết hợp phẫu thuật và nội soi khi cần thiết.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý thêm, với các cháu nhỏ từ 5 tuổi trở lên, nếu có dấu hiệu đầy bụng và trong gia đình có người nhiễm H.pylori thì nên được tiến hành xét nghiệm H.pylori bằng nội soi, xét nghiệm phân hoặc hơi thở để phát hiện và có lộ trình điều trị tối ưu nhất.